Đột quỵ não là bệnh nguy hiểm, có thể để lại di chứng và nguy cơ gây tử vong cao nếu không được chữa trị kịp thời. Vì vậy, việc phòng ngừa từ sớm giúp hạn chế hậu quả của bệnh.
1. TRIỆU CHỨNG
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:
- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.
- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.
- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.
- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn
Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên. Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới.
2. BIẾN CHỨNG
Tùy thuộc vào mức độ và vùng não bị tổn thương, người bệnh có thể gặp các di chứng ở các mức độ khác nhau:
- Liệt nửa người hoặc các chi làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động
- Rối loạn nhận thức: hay quên, không tỉnh táo, sa sút trí tuệ
- Rối loạn ngôn ngữ: khó biểu đạt được suy nghĩ thành lời nói, nói ngọng, nói lắp, âm điệu và ngữ điệu biến đổi
- Rối loạn thị giác: mắt mờ một bên hoặc cả hai bên. Nặng hơn, người bệnh có thể mù một phần hoặc toàn bộ
- Rối loạn cơ tròn: Tiểu khó, bí tiểu, đại tiểu tiện không tự chủ.
Những biến chứng nguy hiểm sau đột quỵ đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và phí tổn tài chính cho người bệnh, gia đình và xã hội.
3. SƠ CỨU
LƯU Ý ĐẶC BIỆT: Cần gọi người trợ giúp và ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Trong thời gian chờ hỗ trợ, cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các thay đổi bất thường về tình trạng của người bệnh. Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn.
Tư thế nằm nghiêng an toàn (hay còn gọi là tư thế hồi sức cấp cứu) là tư thế nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, cũng lựa chọn tốt nhất trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Do đó cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên để các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
Cách đặt bệnh nhân về tư thế nằm nghiêng an toàn
Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện
Nếu bệnh nhân còn tỉnh:
- Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân.
- Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.
Khi thực hiện sơ cứu đột quỵ tại chỗ thì tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng thuốc hay ăn uống bất cứ thứ gì, không dùng kim chích 10 đầu ngón tay hay chân của người bệnh, không cạo gió.
Nếu người bệnh bị co giật, phải lập tức dùng chiếc đũa bọc giẻ, đặt ngang miệng bệnh nhân để tránh cắn vào lưỡi.
Thời gian vàng
Thời gian vàng là thời gian giới hạn để có thể chích thuốc hoặc làm thủ thuật can thiệp cấp cứu đột quỵ. Muộn hơn khoảng thời gian này thì các biện pháp cấp cứu không còn hiệu quả và thậm chí gây hại. Khi đó, việc điều trị chỉ còn là giải quyết hậu quả và phòng ngừa tái phát.
Khoảng thời gian vàng này đã được mở rộng đáng kể theo tiến bộ của y học, trước đây là 3 giờ, sau đó là 4,5 giờ và hiện tại là 6 giờ, tính từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ. Tuy nhiên, với mỗi người bệnh, nếu điều trị sớm được phút nào tốt phút ấy, vì mỗi phút chậm trễ có thể làm chết thêm gần 2 triệu tế bào thần kinh. Đồng thời càng chậm trễ thì càng ít có lựa chọn điều trị, giảm đáng kể khả năng hồi phục sau đột quỵ.
Nếu được cấp cứu trong thời điểm giờ vàng (3 – 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.
4. PHÒNG TRÁNH
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Nguyên nhân gây bệnh đột quỵ đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu... Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
- Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc
- Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ
- Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh
- Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường
- Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành…
Giữ huyết áp ở mức lý tưởng
Theo dõi các chỉ số huyết áp. Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ. Để duy trì huyết áp ở mức lý tưởng dưới 135/85 mmHg, bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5 g mỗi ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê), tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, phô mai và kem; nên ăn 4-5 phần rau và trái cây mỗi ngày, 2-3 phần cá mỗi tuần. Người bệnh có thể dùng thêm thuốc ổn định huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tập thể dục nhiều hơn
Người bệnh có thể tập thể dục ở cường độ vừa phải như đi dạo sau bữa tối, tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè, đi thang bộ thay vì thang máy. Nếu không thể tập liên tục 30 phút, bạn có thể chia nhỏ thành 10-15 phút/lần và 2-3 lần/ngày.
Hạn chế uống bia, rượu
Thay vì thường xuyên sử dụng rượu, bia với nồng độ cao, bạn nên uống rượu vang đỏ với một lượng vừa phải (khoảng 1 ly nhỏ mỗi ngày). Rượu vang đỏ có chứa resveratrol, giúp bảo vệ tim và não.
Không hút thuốc lá
Theo nhiều nghiên cứu, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nếu khó từ bỏ thuốc lá, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để chọn cách thích hợp, ví dụ sử dụng các sản phẩm giúp cai thuốc lá như viên ngậm nicotine, miếng dán…
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Cuộc sống an toàn – Tổng hợp
Cấp cứu – sơ cứu kỹ năng Sinh tồn Sức khỏe xanh Thực phẩm xanh