1. NHẬN BIẾT NẠN NHÂN BỊ NGẠT THỞ :
Khi một người bị ngạt thở, họ sẽ có những biểu hiện sau:
- Hô hấp ngừng hoàn toàn, lồng ngực, thành bụng bất động.
- Nạn nhân nằm yên, bất tỉnh, không cử động.
- Sắc mặt nhợt nhạt hoặc tím tái, tứ chi giá lạnh.
- Tim có thể ngưng đập, mạch không sờ thấy.
Kiểm tra nạn nhân thấy ngưng thở bằng cách đặt má của bạn trước miệng nạn nhân (cách khoảng 3 – 5 cm), và nhìn vào ngực họ. Nếu muốn, bạn cũng có thể đặt một bàn tay lên vùng trung tâm của ngực họ. Việc này giúp bạn kiểm tra được xem nạn nhân có thở không theo phương pháp: Cảm nhận, Nghe, Nhìn, Ngửi:
- Bạn có thể Cảm nhận hơi thở nạn nhân phả vào má bạn.
- Bạn có thể Nghe thấy không khí vào và ra khỏi phổi của nạn nhân.
- Bạn có thể Nhìn thấy độ nâng lên và hạ xuống của ngực nạn nhân.
- Bạn có thểNgửi thấy hơi thở của họ khi không khí thoát ra.
Nếu bạn đặt tay của bạn lên ngực nạn nhân, bạn cũng có thể cảm thấy ngực của họ nâng lên hạ xuống dựa vào tay bạn. Tìm những dấu hiệu này trong khoảng 10 giây. Nếu không thấy dấu hiệu (hoặc chỉ thở chậm hơn 6 lần/phút), thì nạn nhân không có khả năng để tự đưa không khí vào trong cơ thể họ. Để giúp họ, bạn cần phải thực hiện sơ cứu về hô hấp.
2. CÁCH SƠ CỨU
Sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân.
Để cứu sống nạn nhân ngạt nước phải ngăn chặn kịp thời các tiến trình trên, tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).
Loại bỏ nguyên nhân ngạt thở – Cố gắng khai thông đường thở càng nhanh càng tốt – Tiến hành hô hấp nhân tạo.
+ Loại bỏ nguyên nhân gây ngạt thở:
- Các bạn cần đưa nạn nhân ra khỏi nơi gây ngạt thở, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên
- Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí
- Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực:
- Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (2 cấp cứu viên) hoặc 30/2 (1 cấp cứu viên) trong 2 phút rồi đánh giá lại xem nạn nhân có thở lại được không? Môi có hồng không? Có phản ứng khi lay gọi, kích thích đau không? Nếu không phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
- Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói
+ Khai thông đường thở:
- Nới rộng cổ áo, cà vạt, dây nịt, dây thắt cổ.
- Cố gắng mở miệng nạn nhân bằng cách dùng một tay chịu ở trán, một tay ấn ở cằm hoặc đẩy góc xương hàm dưới ra trước.
- Lau chùi đất, máu, đờm dãi ở mũi, miệng, dùng ngón tay, nếu có quấn vải càng tốt, thọc tay vào miệng móc đàm, ngoại vật, thức ăn ói mửa ra. Khi cần, ta có thể hút trực tiếp bằng miệng cho sạch đờm dãi.
+ Tiến hành hô hấp nhân tạo:
Có nhiều phương pháp nhưng thông dụng và hiệu quả nhất là phương pháp “Miệng qua miệng” (Mouth by mouth). Nếu ngưng tim thì kết hợp với “Hồi sinh tim phổi CPR”.
Khi làm hô hấp nhân tạo cần chú ý:
- Làm ở chỗ thoáng khí, không để nhiều người xúm quanh.
- Không để nạn nhân nằm ở chỗ giá lạnh.
- Móc đàm nhớt hay chất ói mửa thường có ở nạn nhân bị ngạt.
- Làm rất kiên trì cho đến khi hô hấp tự nhiên hồi phục.
Lưu ý: Bình tĩnh và kiên nhẫn. Các bạn làm các động tác đúng theo nhịp điệu, không nhanh quá và cũng không chậm quá. Các động tác có khi kéo dài hàng giờ nên không được chán nản. Vì vậy các bạn cần phải có người hỗ trợ khi quá mệt mõi.
Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước
3. NHỮNG VIỆC CẦN TRÁNH LÀM KHI BỊ ĐUỐI NƯỚC
- Phần lớn các nạn nhân bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu oxy. Các cách sơ cứu không đúng bao gồm:
+ Bỏ nhiều thời gian cho việc xốc nước: động tác dốc ngược nạn nhân không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như người dân thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.
+ Lăn lu: cho trẻ nằm sấp trên cái lu được để rơm nung cháy bên trong lăn lu qua lại nhằm mục đích “rút nước” trong cơ thể trẻ ra. Phương pháp này không hiệu quả, còn gây phỏng cho trẻ.
+ Các nạn nhân ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.
4. NHỮNG LƯU Ý ĐỂ TRÁNH BỊ NGẠT NƯỚC
- Không biết bơi hoặc tự đánh giá cao khả năng bơi lội của mình.
- Các hành vi nhiều rủi ro như tắm sông, chơi ở trên bờ ao hồ…
- Thiếu sự giám sát của người lớn.
- Hạ thân nhiệt dẫn đến suy kiệt nhanh, không đủ sức bơi.
- Không phát hiện được loạn nhịp tim nguyên phát. Ví dụ ngâm mình trong nước lạnh có thể gây ra tử vong ở những bệnh nhân có hội chứng QT kéo dài bẩm sinh type 1.
- Ở trẻ lớn có thể do uống rượu, sử dụng ma túy…
- Chấn thương, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
- Tăng thông khí trước khi nhảy xuống nước làm giảm PaCO2, trong khi đó PaO2 giảm còn 30 – 40 mmHg do tiêu thụ. Vì PaCO2 giảm nên không kích thích được hô hấp. điều này gây ra thiếu oxy não, co giật, mất ý thức dẫn đến chết đuối.
4. PHÒNG NGỪA ĐUỐI NƯỚC
Tổ chức dạy bơi cho người dân, nhất là trẻ em tại cộng đồng; Hạn chế, kiểm soát các nguy cơ đuối nước trong gia đình và ở cộng đồng; Dự phòng, huấn luyện cấp cứu đuối nước, chủ động chuẩn bị phương tiện cứu hộ, sơ cứu đuối nước trong mùa mưa bão; Đảm bảo an toàn đi lại, sinh hoạt trong mùa mưa bão.
Lưu ý:
Không làm nghiệm pháp Heimlich và dốc ngược nạn nhân. Khi nạn nhân bị đuối nước thường bị ngạt thở, ngừng thở, ngừng tim do vậy việc đầu tiên là phải khai thông đường thở, thổi ngạt và ép tim. Dốc ngược nạn nhân sẽ làm chậm trễ việc cứu sống nạn nhân, nhất là trong trường hợp đuối nước khô, không có nước trong phổi nạn nhân cho nên dốc ngược nạn nhân sẽ không có tác dụng.
Chỉ được phép vận chuyển nạn nhân bị đuối nước đến cơ sở y tế khi nạn nhân đã tự thở và có mạch trở lại.
Cuộc sống an toàn – Tổng hợp
Cấp cứu – sơ cứu kỹ năng Sinh tồn Sức khỏe xanh Thực phẩm xanh