Khi màn đêm buống xuống trên núi rừng, không khí lạnh luôn dễ làm con người ta dễ kiệt sức nhất. Vì vậy, việc dựng ngay một túp lều không những giúp bạn có chỗ giữ ấm, một chỗ cao ráo để bạn có thể nghỉ ngơi mà còn là chỗ để bạn thấy mình an toàn hơn. Chỗ ngủ cũng không cần quá phức tạp, cầu kỳ, chỉ cẩn đủ để che mưa, cho bạn ấm và an toàn là được.
1. Tự Xây dựng
Trước tiên hãy xác định rõ yêu cầu và nhu cầu của mình cho một nơi trú ẩn:
– Một nơi trú ẩn tạm bợ 1 đêm hay một ngôi nhà để bạn sinh sống lâu dài.
– Ngôi nhà có tác dụng bảo vệ ta như thế nào đối với môi trường xung quanh: từ băng giá, mưa gió, nắng nóng ,thú hoang… Điều kiện môi trường khác nhau chúng cũng sẽ khác nhau.
– Phụ thuộc vào công cụ xây dựng và vật liệu xây dựng mà bạn có
*Lưu ý:
Trước hết bạn cần lưu ý một số yếu tố trước khi tìm nơi trú ẩn như sau:
- Tìm nơi đất bằng phẳng, thông thoáng, cao ráo, không ẩm ướt
- Tìm vùng đất ở xa và cao hơn sông suối, tránh ngập úng khi mưa
- Tránh xa vùng đất trũng, lòng suối cạn, lỡ có lũ về chạy không kịp
- Tránh nơi có bụi rậm và cỏ cao vì rắn rết
- Tránh hướng gió thổi
- Tránh vùng chân đồi, đồi dốc vì thường có đá lăn.
*Làm Lều tạm
- Tìm những khúc cây to gãy đổ sẵn để có thể chắn gió tốt. Dùng thân cây gãy ngang này làm giá cố định, sau đó bạn có thể lấy những nhánh cây khác xếp chồng lên tạo khung rồi che chắn bên ngoài bằng những tán cây.
- Nếu có những thân cây nhỏ, bạn có thể chặt khúc giữa và gập cây xuống để tạo nên chiếc lều che chắn cho mình. Thậm chí nếu không thể chặt, bạn vẫn có thể lấy dây cột và kéo tì xuống nhé. Với chiếc lều tạm này bạn vẫn có thể đốt lửa để sưởi ấm bên trong, tất nhiên với điều kiện bạn không làm lều kín quá.
Tương tự cách thức như vậy, bạn có thể tận dụng những khối đá lớn, gốc cây to… để làm trụ, miễn sao chúng ta tạo ra thêm lớp mai phía trên và bao bọc xung quanh để bảo vệ khi ngủ là được. Đây đều là những kiểu dựng lều tạm dễ thực hiện với vật liệu đơn giản như gỗ, đá, lá cây….giúp bạn có được nơi trú ẩn tốt ở môi trường hoang dã tự nhiên.
Bạn cần trú ẩn để tránh gió, mưa hoặc nắng thiêu đốt. Nhưng nếu chỉ dựng một mái che là chưa đủ. Ban đêm, mặt đất lạnh lẽo sẽ hút nhiệt ra khỏi cơ thể bạn nếu bạn không tạo ra một lớp ngăn cách cơ thể mình với mặt đất.
Ngoài ra, nếu có đủ dụng cụ và thời gian bạn có thể làm Lều du mục, nó được tạo từ 3 chiếc cọc chính, phủ ngoài bằng lá cây hoặc một chiếc lều từ thân cây gỗ đơn giản nhưng chắc chắn.
2. Tìm ngoài tự nhiên
*Ngủ Trên Cây
Đây là nơi giúp bạn có thể ngủ cách mặt đất khá an toàn, cũng rất tiện nếu ở khu vực thường mưa, đầm lầy ngập nước…
Quan sát xung quanh khu vực mình đứng và tìm những thân cây to, nhánh nhiều. Nếu một cây đủ lớn và nhiều nhánh sẽ cho bạn một chỗ nghỉ chân khá lý tưởng đấy. Bạn có thể nhặt thêm những thân cây đủ chắc chắn để bắt ngang, nhằm tăng diện tích đủ để nằm nghỉ lưng nữa nhé.
Nếu điều kiện cho phép, bạn có thể gom nhiều nhánh lá cây để làm lớp màng bao bọc xung quanh để tránh nhiệt độ xuống thấp khi đêm về nữa. Ngủ trên cây có thể giúp bạn tránh trường hợp hạ thân nhiệt từ mặt đất, hay mối lo từ các loại côn trùng, rắn rết hay thú săn mồi về đêm rất hiệu quả.
Chú ý: Để đề phòng sét đánh khi có giông bão, bạn nên tránh những khu vực rộng, trống trải. Đồng thời cũng không nên nằm ở nơi quá cao nhé.
Tương tự, bạn vẫn có thể linh động chọn những gốc cây to, hay thân cây thấp, miễn có đủ 4 góc dùng làm trụ chính, rồi cũng tìm thanh ngang đủ cứng cáp để làm giường nằm, bạn có thể gom lá tươi, cỏ tươi đã hơ qua lửa để làm tấm nệm cho êm ấm nữa.
Một số kiểu nhà trên cây, lều trên cây khác:
*Tìm kiếm hang động
Với phần lớn nhiều người, hang động là nơi tuyệt vời để làm nơi trú ẩn. Nhưng bạn cũng cần lưu ý một vài điểm khi chọn hang động làm nơi trú ẩn nhé.
- Hang động thường được hình thành cả một hệ thống, do đó khi bạn phát hiện một hang động, khả năng còn nhiều hang động khác gần đó nữa, nên bạn có thể lựa chọn nơi phù hợp nhất.
- Dơi thường tập trung ở hang động, bạn có thể quan sát và lần theo hướng bay đi bay về của loài dơi. Dế nâu cũng là loài vật sống gần hang hốc, khe núi
- Kiểm tra những khu vực núi đá vôi, những khe nứt có gió hay nước tỏa ra thì thường có đường vào hang động
- Các khu vực đá dọc bờ biển dễ có hang động, nhưng phải cẩn thận vấn đề thủy triều bằng cách quan sát dấu vết đất ẩm, rong rêu…
(*) Những lưu ý khi ngủ trong hang động
- Loài dơi thường tụ tập theo đàn ở sâu trong hang động, bạn có thể ở bên ngoài vẫn không gặp khó khăn quá nhiều với chúng
- Các loài thú có trong hang như chuột, chồn hôi, gấu, báo … Thường thì hay gặp những loài thú nhỏ và vô hại trong hang. Tuy nhiên nếu gặp dấu hiệu của những loài thú nguy hiểm hãy lập tức tránh xa nơi đó
- Không tò mò đi vào quá sâu trong hang, vì càng vào sâu sẽ càng mất oxy, bạn có thể ngất trước khi kịp nhận ra nguy hiểm
- Sâu bên trong hang cũng có thể có vực sâu, đầm nước, dốc trơn và dễ lạc nữa
- Chú ý nghe tiếng nước, vì ngập lụt trong hang có thể diễn ra rất nhanh chóng bởi nhiều lý do như có lượng nước tàn dư bởi những trận mưa lớn, hay hang động này là vùng trũng hứng nước mỗi khi có mưa về…Nếu thấy lượng nước tăng đột ngột hoặc nghe tiếng nước chảy mạnh, nhanh thì nhanh chóng rời khỏi đây
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm nhưng nơi trú ẩn ngoài tự nhiên khác như Gốc cây cổ thụ, hốc đá hoặc những lán cây um tùm.
3. Dựng nhà
Một ngôi nhà đúng nghĩa là thứ bạn chắc chắn phải xây dựng nếu mình hoặc nhóm của mình phải trụ lại trên hoang đảo hoặc lưu trú trong một thời gian dài. Những căn chòi hoặc lều tạm không phải là lựa chọn tốt để chống chọi lại với mưa nắng, gió bão, tuyết rơi. Nhìn qua thì có vẻ dễ dàng tuy nhiên để xây dựng lên được những căn nhà vững chãi không phải là chuyện đơn giản một sớm một chiều. Từ việc lựa chọn và tích cóp vật liệu đến việc xây dựng đúng kí thuật. Bạn không muốn dựng lên một ngôi nhà mà chưa kịp bước vào đã sập xuống chứ
Nhà bằng cành cây, lá cây: tương tự như làm lều nhưng quy mô lớn hơn. Khung nhà là những thân cây trung bình được ghép lại bằng những ngàm nối và buộc lại cẩn thận. Khung nhà gồm nhiều thanh ngang để làm giàn lợp lên đó lá tranh, lá cọ làm mái.
Vật liệu để làm vách và lợp nhà là các loại lá rừng như như hình dưới. Cũng có thể là các mảng đất dính cỏ hay các cành cây lá đan lại.
Nhà gỗ: Vùng bạn sống có nhiều thân cây gỗ thẳng đều nhau bạn có thể dựng lên những ngôi nhà gỗ chắc chắn và ấm cúng bằng những công cụ thô sơ mà tôi đã giới thiệu. Để làm được căn nhà như vậy ta thực hiện các bước căn bản như sau:
– Đắp một cái nền nhà có diện tích lớn hơn ngôi nhà dự kiến một chút.
– Hạ một cây đủ lớn làm xà nhà, khoét ngàm ở hai đầu.
– Liên kết lần lượt những cây gỗ vào ngàm.
– Chồng dần dần lên cao theo ý muốn
– Trổ cửa, cửa sổ nếu cần.
– Làm mái rồi lợp bằng vỏ cây và lá cây.
Bạn đã có một căn nhà gỗ đơn giản nhưng lý tưởng để trú ẩn.
Có thể việc xây dựng lều trại không phải là một chủ đề thú vị cho lắm nhưng đây lại là vấn đề được hướng dẫn kĩ lưỡng nhất trong các khóa học thực tập kĩ năng sinh tồn. Nếu đã đọc qua kì thứ 5 trong chuyên đề kĩ năng sinh tồn này, bạn đã có thể trang bị cho mình kiến thức cơ bản khi xây dựng một nơi trú ẩn lý tưởng nhất trong các điều kiện môi trường khác nhau: từ rừng rậm, đầm lầy, các khu vực băng giá, sa mạc hay các ngôi nhà trên cây để tránh khỏi thú dữ. Tuy nhiên xin nhắc lại đây chỉ là những kinh nghiệm căn bản nhất để các bạn có thêm kiến thức lựa chọn khu vực trú ẩn, cách thức tìm kiếm vật liệu và những bước sơ lược để tạo ra một ngôi nhà nơi hoang dã. Tất cả phần việc còn lại tùy thuộc vào sự khéo léo, sức khỏe và óc tưởng tượng của bạn. Có thể bạn sẽ đem lại cho bạn bè, người thân những nơi trú ẩn an toàn và còn tiện nghi hơn như thế này nhiều nếu phải lạc ngoài hoang dã. Với nhiều người, đó là một việc thực sự rất ấn tượng bởi không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm với vấn đề tưởng chừng như đơn giản này. Họ chỉ biết lang thang ngoài trời, ngủ dưới gốc cây hoặc các phiến đá. Và việc đó sẽ mau chóng bòn rút đi sức khỏe, năng lượng sống của họ.
Môi trường hoang dã tự nhiên là thế, sẽ chẳng thể cho bạn có được thứ gì dễ dàng. Tuy nhiên, với việc thường xuyên cập nhật những kiến thức sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tích cực hơn khi gặp tình trạng cần phải sinh tồn đúng không nào? Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có cách tìm nơi trú ẩn cho riêng mình khi cần thiết.
Cuộc sống an toàn – Sưu tầm
Cấp cứu – sơ cứu kỹ năng Sinh tồn Sức khỏe xanh Thực phẩm xanh